Trang chủ » Văn hóa Nhật Bản » Thơ Haiku – thể thơ độc đáo của Nhật Bản

Thơ Haiku – thể thơ độc đáo của Nhật Bản

Thơ Haiku có nguồn gốc từ 3 câu đầu của thơ Haikai (bài hài) – một thể loại thơ trào phúng của Nhật. Thơ Haiku phát triển mạnh mẽ vào thời kỳ Edo (1603 – 1867) khi đã mất dần đi sự trào phúng mà mang âm hưởng  sâu thẳm của phái thiền tông.

Được khai sinh bởi thiền sư lỗi lạc Matsuo Basho, thơ haiku có lẽ là thể thơ ngắn nhất thế giới chỉ với vỏn vẹn 17 âm tiết trong 3 câu: 5+7+5.

Thơ như một bài kệ, sàn lọc từng chữ, không dư mà cũng không thiếu, cốt sao nói đến chính cái đang là – “đương hạ tức thị”. Nắm bắt thực tại ngay trong giây phút nảy mầm, cái đang xảy ra lắm khi chuyên chở cả một vũ trụ thu gọn vào trong thời điểm đó, tiểu thế giới và đại thế giới hòa nhập vào nhau. Một diễn tiến trước mắt khiến ta liên tưởng đến một hiện tượng hay biến cố nào đó trong một kinh nghiệm sống của riêng mình. Kỷ xảo của thơ Haiku là giản lược tối đa chữ nghĩa trong thơ để vận dụng trí tưởng tượng nơi người đọc. Không có người làm thơ và kẻ đọc thơ, cả hai nhập làm một, đồng âm cộng hưởng trong niềm rung cảm với sự liên hệ rất tinh tế và hài hòa của đất trời.

Một bài Haiku Nhật luôn tuân thủ hai nguyên lý tối thiểu, đó là Mùa và Tính Tương Quan Hai Hình Ảnh.Trong thơ bắt buộc phải có “Kigo” (quý ngữ) nghĩa là từ miêu tả mùa (không dùng từ xuân, hạ, thu, đông nhưng dùng các từ như hoa anh đào, cành khô, lá vàng,tuyết trắng… để chỉ các mùa), và diễn tả một hình ảnh lớn (vũ trụ) tương xứng với một hình ảnh nhỏ (đời thường).

Tiếng ve kêu râm ran (tiếng ve kêu chỉ mùa hạ)

Như tan vào trong than trong đá

Ôi, sao tĩnh lặng quá!

Ðọc thơ Haiku, ta cảm được vị trí đứng ở ngoài sự kiện của tác giả. Tác giả dường như chỉ chia sẻ với người đọc một sự kiện đã quan sát được.

Cỏ hoang trong đồng ruộng

Dẫy xong bỏ tại chỗ

Phân bón!

Nhưng người đọc vẫn có thể nghiệm được tình cảm của tác giả, một tình cảm nhè nhẹ, bàng bạc trong cả bài thơ, nói lên niềm vui sống hay sự cô đơn, đôi khi cũng nêu ra điểm tác giả thắc mắc về cuộc đời của con người: ngắn ngủi, phù du, trước sự vĩnh hằng của thiên nhiên.

Thế giới này như giọt sương kia

Có lẽ là một giọt sương

Tuy nhiên, tuy nhiên…

Thơ có xu hướng gợi ý hay ám chỉ bóng gió nhẹ nhàng. Thông thường trong thơ đưa ra hai hình ảnh: một hình ảnh trừu tượng sống động và linh hoạt, một hình ảnh cụ thể ghi dấu thời gian và nơi chốn.

Trăng soi (hình ảnh trừu tượng)

Một bầy ốc nhỏ (hình ảnh cụ thể)

Khóc than đáy nồi (nơi chốn cụ thể)

Nhà thơ không giải thích hay luận về sự liên kết giữa hai hình ảnh này, chỉ diễn tả sự vật theo bản chất tự nhiên của nó. Người làm thơ phải tự đặt mình như một đứa trẻ lúc nào cũng có cảm giác bỡ ngỡ, lạ lùng khi tiếp xúc lần đầu tiên với ngoại giới. Một bài thơ Haiku hay là làm sống lại những gì đã chôn sâu trong ký ức và đưa ra những cảm giác sâu sắc, tế nhị, để tự nó khơi lại trí tưởng tượng và mơ ước của người đọc để người đọc tự suy diễn, cảm nhận.

Chim vân tước bay

Thở ra sương gió

Dẫm lướt từng mây

 

 

 

5/5 - (26 bình chọn)
Scroll to Top
 
Tư vấn
Liên hệ - 0988.787.186
Nhận tư vấn miễn phí, nhiệt tình từ chúng tôi ngay.