Có một người bạn Hàn Quốc đã tiết lộ cho tôi biết một bí quyết khi muốn mua những cuốn sách, tạp chí best saler mới với giá rẻ- đó là chờ đợi dịp tháng 10, khi cả đất nước Hàn Quốc kỉ niệm ngày sáng lập ra bảng chữ cái tiếng Hàn (09/10).
Trong tháng này, có rất nhiều những hoạt động văn hóa đặc sắc như: Phong trào đọc sách vào mùa thu (가을 책읽기 운동), Phong trào quyên góp sách cũ (헌책 모으기), Cuộc thi sáng tác thơ văn bằng tiếng Hàn cho người Hàn và người nước ngoài (백일장)…Tại đất nước công nghiệp, người dân vốn được coi là có tính cách vội vàng, nóng nảy nhưng ta sẽ thấy rất bất ngờ khi đến bất cứ địa điểm công cộng nào (thậm chí cả toilet) cũng thấy tranh, ảnh nghệ thuật, những bài thơ, những đoạn văn hay được trích dẫn và trưng bày trang trọng trên tường, cánh cửa hoặc vành đai chắn tại các ga tàu điện ngầm. Nhắc đến Hangeul, không người Hàn nào có thể giấu khỏi niềm tự hào khi được sử dụng bộ chữ do chính dân tộc mình sáng tạo và được cả thế giới ngưỡng mộ. Vào năm 1997, Hangeul được Unessco công nhận là “Di sản văn hóa thế giới”. Từ đó cho đến nay, Hangeul ngày càng chứng tỏ sức hút và mở rộng phạm vi sử dụng ra toàn thế giới
Theo thống kê cho thấy có khoảng gần 80 triệu người nói tiếng Hàn bao gồm 25 triệu người ở Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên, 48 triệu người ở Hàn Quốc ; 1,9 triệu người ở Trung Quốc và các quốc gia khác như Nhật Bản, Nga, Mỹ, Canada…Tháng 8/2009, Hiệp hội Huấn dân chính âm, thành phố Bau-bau, đảo Buton của Indonesia đã quyết định sử dụng Hangeul làm chữ viết chính thức để mô tả tiếng bản ngữ A Chi A Chi. Hiện nay thành phố Bau-bau đã phổ biến sách giáo khoa dạy tiếng A Chi A Chi viết bằng Hangeul cho khoảng 50 học sinh tiểu học vùng Solaolio. Đây cũng là đảo đầu tiên trên thế giới sử dụng chữ Hanguel làm chữ viết chính thức của mình.
Sau đây, chúng ta sẽ tìm hiểu về những đặc tính ưu việt, nổi trội của bảng chữ cái tiếng Hàn được đặt trong sự so sánh, đối chiếu với các ngôn ngữ khác.
Thứ nhất, Hangeul là bảng chữ cái duy nhất trên thế giới có lưu giữ những tài liệu ghi chép quá trình hình thành, sáng lập ra nó. Trên thế giới, hầu hết các ngôn ngữ đều bị dòng chảy của thời gian phủ lên tấm màn bí mật về thời điểm ra đời, người phát minh ra chúng. Nhưng chỉ duy nhất bảng chữ cái tiếng Hàn là bộ chữ duy nhất trên thế giới có ngày kỷ niệm riêng, ngày 9/10. Chữ cái tiếng Hàn Quốc, còn gọi là Hangeul được công bố vào năm 1443 và được đưa vào sử dụng vào năm 1446 với tên gọi ban đầu là Hunmin Jeong-eum (Huấn dân chính âm; 訓民正音), có ý nghĩa là “Chính âm để trị dân”. Bảng chữ cái tiếng Hàn được công bố đầu tiên bao gồm 28 con chữ bao gồm 7 kí hiệu ghi nguyên âm, 17 kí hiệu ghi phụ âm và 4 kí hiệu phụ nhưng trong quá trình hình thành và phát triển chỉ còn có 24 con chữ và cho đến nay là 21 nguyên âm ( 10 nguyên âm đơn : ㅣ, ㅔ, ㅐ, ㅏ, ㅓ, ㅗ, ㅜ, ㅡ, (ㅚ, ㅟ); 11 nguyên âm đôi : ㅑ, ㅕ, ㅛ, ㅠ, ㅘ, ㅝ, ㅢ, ㅖ, ㅒ, ㅙ, ㅞ ) và 19 phụ âm. (ㄱ,ㄲ, ㄴ, ㄷ, ㄸ, ㄹ, ㅁ, ㅂ, ㅃ, ㅅ, ㅆ, ㅇ, ㅈ, ㅉ, ㅊ, ㅋ, ㅌ, ㅍ, ㅎ). Tên Hangeul do nhà nghiên cứu tiếng Hàn Ju Si-kyung tạo ra và được sử dụng từ năm 1913. Hangeul có nghĩa là bảng chữ cái của nước Hàn Quốc là chữ cái lớn nhất và tốt nhất trên thế giới, đứng như ý nghĩa của Hunmin Jeong-eum.
Thứ hai, Hangul là bảng chữ cái có nguyên tắc sáng tạo vô cùng khoa học và hệ thống. Bảng chữ cái tiếng Hàn có 28 chữ, nhưng vua Sejong (Thế Tông) không sáng tác ra tất cả 28 chữ mà dựa trên một số chữ cơ bản để phái sinh ra các chữ cái tiếp theo. Trước tiên, vua Sejong dựa vào hình dạng của cơ quan phát âm ( môi, lưỡi, vòm họng…) để tạo ra các phụ âm như ‘ㄱ, ㄴ,ㅁ,ㅅ,ㅇ’. Cụ thể như chữ cái “ㄱ(Ghiyeok)” được sáng tạo theo hiện tượng lưỡi đóng kín phần cuối của vòm miệng. Các nhà ngôn ngữ học phân tích bằng X quang khi phát âm chữ cái “ㄱ(Ghiyeok)”, lưỡi đóng kín vòm miệng như hình chữ cái “ㄱ(Ghiyeok)”. Chữ cái “ㄴ(Nieun)” cũng được sáng tạo theo hiện tượng lưỡi đóng kín lợi trên. Không chỉ riêng người Hàn Quốc mà cả thế giới dù không biết nghĩa nhưng cũng có thể phát âm tiếng Hàn một cách dễ dàng. Bởi thế, tiếng Hàn còn được gọi là ngôn ngữ “buổi sáng” (trong một buổi sáng có thể học hết bảng chữ cái).
Bảng chũ cái tiếng Hàn 28 chữ
Trong thời Sejong, học giả Jeong In-ji cũng từng nói: Người thông minh chỉ cần 1 ngày còn người tối dạ cũng có thể thạo tiếng Hàn trong vòng 10 ngày. Việc sáng tạo nên nguyên âm được tượng hình từ trời, đất và con người (thuyết thiên – địa – nhân). Ba kí hiệu cơ bản của nguyên âm là các kí hiệu (ᆞ) – hình tròn tượng trưng cho trời(天) , ( ㅡ) – dấu gạch ngang tượng trương cho đất(地), (ㅣ) – nét sổ thẳng tượng trưng cho dáng đứng của con người(人). Trong quá trình sáng tạo ra nguyên âm tiếng Hàn cơ bản ta cũng có thể nhận thấy rõ dấu ấn của thuyết âm dương. Chữ “a” ( ㅏ) có dáng vẻ của mặt trời mọc lên từ phía Đông nên tượng trưng cho nhân tố dương (nguyên âm sáng) ; chữ “ơ” (ㅓ) có dáng vẻ của mặt trời lặn về phía Tây nên tượng trưng cho nhân tố âm ( nguyên âm tối). Tương tự, “ô” (ㅗ) mang hình ảnh của mặt trời mọc lên từ đất nên là nhân tố dương, “u” (ㅜ) mang dáng vẻ của mặt trời lặn xuống đất nên là nhân tố âm. Sau khi tạo ra các phụ âm, nguyên âm cơ bản, vua Sejong sử dụng phương pháp thêm nét để tạo ra các phụ âm, nguyên tâm còn lại. (Từ ㄱ tạo ra ㅋ ㄲ, Từㄷ tạo ra ㅌ ㄸ, Từㅅtạo ra ㅆ ; âm “y” (이) được thêm vào và tạo thành các nguyên âm ‘ㅑ, ㅕ, ㅠ’… )
Thứ ba, Hangeul là bảng chữ cái âm vị có thể tận dụng tối đa khả năng sử dụng của các chữ cái.
NGUYÊN ÂM | PHỤ ÂM+ NGUYÊN ÂM | PHỤ ÂM+ NGUYÊN ÂM+ PHỤ ÂM (PATCHIM: GHÉP) |
||||||||||||||||
---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|
|
|
|
Trước khi có Hangeul, người Hàn Quốc sử dụng chữ Hán hoặc chữ Idu (giống như chữ Nôm ở Việtnam). Vào thời kì đó, việc sử dụng chữ Hán chỉ dừng lại ở giới quý tộc vì nó rất khó học và khó viết. Bởi vậy, đa phần người dân Hàn Quốc thời đó đều mù chữ và dẫn đến việc thiếu hiểu biết, thiếu kiến thức. Sự xuất hiện của Hangeul là dấu ấn lịch sử đưa xã hội Hàn Quốc phát triển sang một bước mới, đánh dấu thời điểm người dân Hàn Quốc đã có thể ghi lại tiếng nói của mình bằng chính chữ viết do dân tộc mình sáng tạo ra. Xét trên phương diện ngôn ngữ học, nếu như tiếng Trung Quốc hay tiếng Nhật lấy đơn vị ngôn ngữ nhỏ nhất là âm tiết (Syllable) thì tiếng Hàn còn có thể chia đơn vị ngôn ngữ nhỏ nhất của mình là âm vị (Phoneme). Đặc điểm lớn nhất của Hangeul chính là sự phân bạch trong âm tiết và vị trí sắp xếp giữa nguyên âm và phụ âm. (Ví dụ, ‘Bom’ không viết là ‘ㅂ ㅗ ㅁ’ mà xếp lại thành ‘봄’.) Cách kết hợp này vừa giản tiện lại vừa tiết kiệm được về mặt không gian và thời gian. Có thể thấy rõ sự ưu việt của bảng chữ cái tiếng Hàn khi nhìn vào sự sắp xếp bàn phím trên máy tính, điện thoại di động. Trong thời đại công nghệ thông tin, việc sử dụng bộ chữ cái tiếng Hàn trong giao tiếp qua công nghệ vừa đơn giản, tốc độ xử lý nhanh, tinh giản về thời gian nhưng đem lại hiệu quả cao, lượng thông tin lớn. Lý do Microsoft cho đến giờ vẫn phải xếp sau Hangeul chính là bởi 24 kí tự chữ cái tiếng Hàn được qui ước chỉ dưới một phím kĩ thuật số nhưng vẫn cho phép đem lại khả năng kết hợp vô hạn và khoa học tới mức hoàn hảo.
Đặc điểm thứ tư, nguyên âm tiếng Hàn luôn luôn có giá trị âm thanh cố định. Nguyên âm trong tiếng Anh thay đổi giá trị âm theo các vị trí khác nhau, như cùng là “a” nhưng tùy cách viết và vị trí mà có thể được phát âm thành 따라 /아[a]/, 어[eo ]/, /에이[ei]/, /애[æ]/ …Trái lại, âm tiếng Hàn luôn giữ giá trị âm thanh ổn định tại mọi vị trí và cách sử dụng khác nhau. Với đặc điểm ưu việt đó những người nước ngoài khi tiếp xúc với tiếng Hàn có thể học và ghi nhớ một cách dễ dàng.
Thông qua việc tìm hiểu sự hình thành và những đặc điểm cơ bản của hệ thống bảng chữ cái tiếng Hàn, ta như được một lần nữa nhìn lại lịch sử phát triển của cả đất nước Hàn Quốc. Một dân tộc thông minh, cần cù và luôn có tinh thần cầu thị, phát triển, hướng ra thế giới. Với những người Việt Nam học tiếng Hàn, do sự khác biệt hoàn toàn của hai hệ thống ngôn ngữ nên có thể dẫn tới những bỡ ngỡ trong thời gian đầu tiếp xúc. Nhưng với những ai thật sự nắm bắt được quy luật và sự vận động của ngôn ngữ này sẽ thấy tiếng Hàn cũng như một thứ men, càng học càng say. Bên cạnh đó việc tiếp cận và có những hiểu biết cụ thể về tiếng Hàn còn là cánh cửa mở ra những chân trời kiến thức mới, giúp ta tìm thấy nhiều sự hài hòa, đồng điệu giữa hai nền văn hóa Việt Nam- Hàn Quốc.