Trang chủ » Học tiếng Hàn Quốc » Chia sẻ kinh nghiệm học tiếng Hàn » Tiếng Hàn thú vị – Bài 29: Sao lại gọi “여기요” và “저기요”?

Tiếng Hàn thú vị – Bài 29: Sao lại gọi “여기요” và “저기요”?

Theo kết quả một cuộc điều tra, thăm dò mới đây cho biết, phụ nữ Hàn Quốc (đặc biệt ở thành phố) không thích bị gọi là “아줌마”/”아주머니” vì đây là cách gọi bị xem là “xuề xòa” và khiến cho họ trở nên già nua.

“여기요, 반찬 더 주세요” (Cho tôi thêm đồ ăn), “저기요, 말씀 좀 여쭙겠습니다”(Xin cho tôi hỏi một chút).

Khi đến nhà hàng ta thấy người Hàn Quốc thường dùng hai biểu hiện này để gọi nhân viên phục vụ của nhà hàng. Vậy ý nghĩa và cách sử dụng của hai biểu hiện này như thế nào?

“여기” – ở đây, tại đây – là đại từ chỉ thị dùng để chỉ vị trí, nơi chốn ở tọa độ gần so với vị trí của người nói, đại từ này được kết hợp với trợ từ kính ngữ “요” thành “ 여기요”. Đây là biểu hiện được dùng khi gọi người lạ lần đầu gặp mặt nhằm lôi kéo sự chú ý hoặc đề nghị họ đi đến phía vị trí của người nói.

“저기요” cũng được dùng cùng mục đích với “여기요” nhưng cấu trúc của từ này lại hoàn toàn khác với “여기요”. “저기” ở đây không phải là “저쪽” (đằng kia) mà là từ cảm thán được sử dụng khi không nghĩ ra điều cần phải nói hoặc khó ngỏ lời. Từ cảm thán “저기” phát sinh từ từ cảm thán “저” , cụm “저기” lại được kết hợp với trợ từ kính ngữ “요” để tạo thành “저기요”.

Ta có thể tóm tắt bản chất cấu trúc của “여기요” và “저기요” như sau:

“여기요” Đại từ chỉ thị + trợ từ kính ngữ “요”
“저기요” Từ cảm thán + trợ từ kính ngữ “요”

Có nhiều bạn cũng đặt câu hỏi, dùng hai từ này để gọi người lớn thì có bất lịch sự quá không ? Nhưng đây là hai biểu hiện đã được “đại chúng hóa” nên chúng ta có thể yên tâm sử dụng. Thậm chí trong nhà hàng, khi gọi nhân viên phục vụ là nữ, những trường hợp này còn an toàn hơn so với cách gọi “아줌마”. Có nhiều cách gọi nhân viên nữ theo từng độ tuổi khác nhau như “아가씨” (cô), “언니” (chị), “이모” (thím, dì), “아줌마”/”아주머니” (bác). Tuy nhiên, theo kết quả một cuộc điều tra, thăm dò mới đây cho biết, phụ nữ Hàn Quốc (đặc biệt ở thành phố) không thích bị gọi là “아줌마”/”아주머니” vì đây là cách gọi bị xem là “xuề xòa” và khiến cho họ trở nên già nua.

“여기요” và “저기요” có thể áp dụng cho mọi lứa tuổi nhưng các bạn cũng cần chú ý không được lạm dụng biểu hiện này. Khi gọi người khác “여기요” và “저기요” cần sử dụng giọng điệu nhẹ nhàng, từ tốn và lịch sự để thể hiện sự tôn trọng đối phương. Đặc biệt nên nhớ là đây là cách gọi người lạ mà lần đầu tiên ta tiếp cận nơi công cộng. Sau đã nói chuyện và biết tuổi tác, địa vị, chức vụ của họ rồi thì cần phải đổi cách xưng hô khác cho phù hợp.

//Nguồn: Thông Tin Hàn Quốc//

5/5 - (12 bình chọn)
Đăng ký nhận
Thông báo về
0 Góp ý
Inline Feedbacks
View all comments
Scroll to Top
 
Tư vấn
Liên hệ - 0988.787.186
Nhận tư vấn miễn phí, nhiệt tình từ chúng tôi ngay.