Những khu vườn với kiến trúc truyền thống có thể được nhìn nhận theo các cách khác nhau. Tìm hiểu thêm một chút về ý nghĩa đằng sau vẻ đẹp bên ngoài và học cách nhận biết những dấu hiệu thường thấy sẽ làm cho những chuyến tham quan của bạn trở nên hấp dẫn hơn bội phần. Những khu vườn cổ ở Hàn Quốc thường là sự kết hợp của những biểu tượng về các vị thần, mối quan hệ giữa người thường và thần thánh, Phật giáo, Khổng giáo và Đạo giáo
Những truyền thống khác nhau trong nhiều trường hợp có thể đứng bên cạnh nhau một cách hòa hợp. Chẳng hạn như một ngôi đền thờ thần núi thường không xuất hiện bên cạnh một ngôi chùa Phật giáo hay những cái ao mang phong cách của Đạo giáo sẽ không đi cùng với những khu vườn của các Nho sĩ. Tuy vậy, càng quan tâm nhiều đến những luồng tư tưởng và triết lý khác nhau ẩn chứa trong những khu vười của Hàn Quốc, bạn càng làm phong phú thêm những kiến thức của mình về chúng
Đá
Số lượng và cách bố trí đá trong vườn đều là một điểm khá rõ nét trong tất cả những phng cách kể trên. Thông thường, số lượng những hòn đá là 2, 3, 9 hoặc 12 dù một số trường hợp đặc biệt, con số này có thể lên đến 60. Ba hòn đá đi cùng với nhau có thể tượng trưng cho 3 vị thần núi trong thần thoại về vua Dangun của Hàn Quốc. Nếu đá được đặt ở giữa ao, chúng có thể biểu trưng cho 3 ngọn núi thiêng được các vị Hoàng đế Trung Hoa tìm kiếm từ xa xưa để có được những cây nấm trường sinh bất lão. Cùng với đó, chúng cũng có thể là biểu tượng đại diện cho tư tưởng 3 nguyên tố: thiên đàng, trần thế và con người. Khi được đặt thành 2 cột đá với một tảng đá nằm ở phía trên, chúng đang muốn ám chỉ về âm – dương, cột đá đứng thẳng biểu trưng cho dương, hòn đá nằm ngang phía trên là âm, tổng thể cùng nói lên sự thống nhất của vũ trụ. Có thể không hề có một sự trùng hợp ngẫu nhiên nào trong sự sắp xếp giống những viên đá được đặt ở lối vào của những ngôi mộ thời kì Đồ Đá đó ở Hàn Quốc hay những chiếc “bàn” đá mộc mạc trong vườn trà Hàn Quốc.
Những viên đá tạo lối đi dẫn vào vườn cảnh
Sự sắp xếp 12 hòn đá còn có những ý nghĩa. Thường xuất hiện trong các khu vườn hoàng gia gần những sông rượu và nơi bày tiệc và những buổi tiệc khác, chúng biểu trưng cho núi Wu, nơi có 12 đỉnh núi, đồng thời cũng là nơi ở của những nữ thần bất tử. Truyền thuyết kể rằng vua Chu Tương Vương nhà Chu đến vãn cảnh đẹp núi Wu, nằm nghỉ ngơi và “mơ” thấy ông đã qua đêm ở đó với một trong các nữ thần. Khi nàng rời đi vào buổi sáng hôm sau, nàng nói với ông rằng nàng sống trên một trong những đỉnh núi đầy nắng của núi Wu, nơi nàng che mây vào mỗi buổi sáng và gọi mưa tới vào mỗi buổi chiều tà. Cuối cùng, một đền thờ mây buổi sớm đã được xây dựng trên núi Wu, và văn học Trung Quốc có rất nhiều trích dẫn tham khảo về câu chuyện tình thú vị này.
Ao
Rất ít khu vườn nào ở Hàn Quốc được coi là hoàn thiện nếu thiếu ao. Không chỉ làm tăng giá trị thẩm mĩ cho thiết kế tổng thể của khu vườn, những cái ao này mang một ý nghĩa biểu tượng sâu sắc hơn rất nhiều. Ao hình vuông với một hòn đảo nhỏ hình tròn tượng trưng cho tư tưởng Đạo giáo: đất hình vuông còn bầu trời hình tròn và suy rộng ra là sự bổ trợ cơ bản của tổng thể vũ trụ: sáng tạo và tiếp thu, dịch chuyển và tĩnh lặng, chủ động và bị động. Khổng giáo còn cho rằng vũ trụ là hình tròn và mặt đất là hình vuông, do đó ao vuông và đảo tròn có thể còn diễn tả khu vườn của các học sĩ lý học thời Tống – Minh hay thậm chí là sự hiện diện của một trường học Khổng giáo. Ao Buyongji trong khuôn viên cung Changdeokgung ở Seoul, một ví dụ điển hình cho loại ao này, được đặt ngay cạnh toà nhà nơi những kì thi tiến sĩ về Khổng giáo được tổ chức dưới thời Joseon.
Vườn cảnh Hàn Quốc
Ao có 3 đảo ở giữa là biểu tượng cho 3 hòn đảo của thiên đàng từ truyền thuyết Trung Hoa hay nơi ở trên núi của ba vị thần bất tử Hàn Quốc, và chính vì vậy, con người luôn đi tìm sự trường sinh bất lão
Ao trong những khu vườn ở các đình, chùa thường là nơi cho sự trầm lặng suy ngẫm và để đánh dấu ranh giới giữa các vị thần tiên và con người trần tục.
Cây
Cây cỏ trong vườn Hàn Quốc cũng có thể mang một ý nghĩa nào đó. Thông có thể tượng trưng cho sự kiên định và tính ngay thẳng ngay cả trong trường hợp xấu bởi thông luôn xanh và không rụng lá vào mùa đông. Nếu thông đứng riêng lẻ, đặc biệt nếu được trồng trên những hòn đảo giữa ao, nó biểu trưng cho sự ảnh hưởng của đạo Khổng. Thông cũng có thể là biểu tượng của sự bất tử do nó có một sức sống bền bỉ. Ba cây ở bất kì một loại nào đó, thường là bằng lăng hoặc cây thích, cũng có thể tượng trưng cho ba sơn thần và sự tìm kiếm trường sinh bất tử.
Hoa sen là một loài hoa chủ yếu xuất hiện trong Phật giáo, tượng trưng cho sự thanh khiết trong tâm hồn của con người trần tục. Trong những khu vườn đủ rộng để xây 2 cái ao, một ao thường thả hoa sen trắng, cái còn lại là hoa sen hồng.
Cây bạch quả thường được thấy ở các trường dạy Khổng giáo truyền thống của Hàn Quốc và các đền thờ trên khắp Hàn Quốc và thường làm liên tưởng tới những nhà hiền triết vĩ đại. Những ngôi mộ Khổng giáo ở Trung Quốc từ lâu đã được bao xung quanh bởi bạch quả, và vì vậy, loài cây này là một loài cây tượng trưng cho đạo Khổng. Một đôi cây bạch quả thường dùng để đánh dấu lối vào một học viện Khổng giáo nào đó ở Hàn Quốc xưa.
Vườn cảnh Bulguksa
Tham quan ở đâu
Khu vườn Biwon
Làng truyền thống Hàn Quốc ở Suwon có rất nhiều thiết kế điển hình cho sự xếp đặt đá cũng như đảo tròn trên ao vuông. Cung Gyeongbokgung ở Seoul cũng có một cái ao hình vuông lớn với ba hòn đảo được trồng thông, cùng với một cái ao tròn nhỏ hơn với một hòn đảo tròn khác. Khu vườn bí mật Biwon nằm trong khuôn viên Changdeokgung, Seoul có khá nhiều ao, trong đó có một ao vuông với một hòn đảo tròn trồng 1 cây thông. Khu vườn ẩn dật của các đạo sĩ Khổng giáo ở đảo Bogil-do có cả ao và một cây thông cổ thụ, toả bóng xuống một hành lang dài. Chùa Bulguksa ở Gyeongju có một cái ao tiên với những hòn đảo và cây thông, cùng với đá. Ao Anapji trong khuôn viên vườn hoàng gia Silla ở Gyeongju có 12 hòn đá, tượng trưng cho núi Wu được đặt trên một bờ và 3 đảo trên ao. Vườn nghỉ ngơi của Baekje gần Buyeo có một cái hồ với một hòn đảo tròn. Rất nhiều địa điểm ở Seoul được thiết kế theo những biểu tượng truyền thống này – ví dụ, ở các địa điểm xung quanh Nghĩa trang Quốc gia.
(Dịch từ tạp chí Seoul Selection)